Từ kích thước, hình dạng đèn, khoảng cách treo đèn cho tới cường độ ánh sáng... dưới đây là những gì bạn cần biết khi lựa chọn đèn chiếu sáng cho phòng ăn.
Đèn chiếu sáng cho phòng ăn nên có kích thước, hình dạng phù hợp với bàn ăn phía dưới. Nếu đó là một chiếc bàn tròn thì bạn nên lựa chọn đèn trang trí có hình tròn giống như hình chiếc trống hay đèn hình bát úp, đèn lục giác.
Còn nếu bàn ăn hình vuông hay hình chữ nhật thì bạn có thể chọn đèn dạng thanh, đèn vuông, đèn bầu dục hoặc kiểu đèn xếp đối xứng nhau.
Tỷ lệ cũng rất quan trọng. Đừng chọn đèn có kích thước lớn hơn cả bàn ăn, nhưng cũng không nên chọn đèn quá nhỏ. Bí quyết là đèn chiếu sáng nên có đường kính bằng một nửa hoặc bằng 3/4 độ rộng bàn ăn.
Nhưng nếu bàn ăn nhà bạn khá dài thì đèn trang trí kép sẽ là lựa chọn không thể phù hợp hơn bởi nó tỏa ra ánh sáng đồng đều và tạo cảm giác cân xứng về mặt thị giác. Với bàn ăn nhỏ, bạn nên lựa chọn một chiếc đèn thả có kích thước tương đối lớn.
Để tránh va đầu vào đèn, cần duy trì khoảng trống tối thiểu 30cm từ đỉnh đầu tại vị trí bạn ngồi tới vị trí thấp nhất của đèn. Theo nguyên tắc chung, nên treo đèn ở khoảng cách 75cm so với mặt bàn ăn. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc vào độ cao trần nhà, kiểu đèn và tâm trạng mà bạn mong muốn truyền tải.
Chẳng hạn, để tạo nên bầu không khí thân mật, hãy treo đèn xuống thấp hơn. Một ví dụ khác, kiểu đèn thả trần tối giản có thể được treo thấp hơn một chút so với chiếc đèn chùm cầu kỳ vì nó sẽ không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn khi ngồi ăn.
Bí quyết là nên ngồi xuống ghế khi thợ điện đang lắp đặt đèn phòng ăn để cảm nhận chính xác hơn.
Luôn lựa chọn bóng đèn LED cho phòng ăn bởi ưu điểm là tiết kiệm điện và tuổi thọ dài hơn so với bóng đèn sợi đốt truyền thống.
Với đèn LED, cường độ ánh sáng được quyết định bởi lumen. Để toàn bộ bàn ăn được chiếu sáng, cần tính toán kích thước của chiếc bàn. Thông thường, độ sáng khoảng 300 lumen trên mỗi mét vuông là hợp lý nhất. Tức là, với bàn ăn có kích thước 90x180cm sẽ cần một bóng đèn LED có cường độ ánh sáng 500-600 lumen.
Lưu ý, với tường nhà sơn màu tối thì sẽ cần tăng cường độ ánh sáng lên vì gam màu tối có xu hướng hấp thụ ánh sáng.
Khu vực ăn uống cần bầu không khí ấm cúng, do vậy hãy chọn bóng đèn LED với nhiệt màu trong khoảng 2400-2700K để tạo được hiệu ứng ấm áp tương tự như bóng đèn sợi đốt truyền thống.
Nếu phòng ăn không chỉ để ăn uống, mà còn là một không gian đa năng thì nên lắp đặt thêm công tắc điều chỉnh độ sáng cho phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau. Nó cũng giúp làm giảm độ chói khi cần.
Nếu không, hãy lựa chọn đèn chiếu sáng có thể giúp khuếch tán ánh sáng như đèn thả lồng vải với các tấm kính mờ che chắn ở cả bên trên và bên dưới.
Đèn thả trần phát huy hiệu quả trong không gian mở vì nó có thể tạo ra điểm nhấn cho góc ăn uống và giúp phân chia khu vực này với phần còn lại trong không gian chung.
Với không gian ăn uống đa năng, hãy cân nhắc kết hợp các lớp ánh sáng khác nhau, chẳng hạn, sử dụng cùng lúc đèn chùm với đèn âm trần, đèn chiếu điểm hoặc đèn tường nhằm tăng cường thêm ánh sáng và tính linh hoạt trong cách sử dụng không gian.
Bên cạnh đèn thả trần thông thường, còn rất nhiều kiểu đèn trang trí phòng ăn mà bạn có thể lựa chọn. Chẳng hạn, một chiếc đèn sàn uốn cong cũng sẽ tạo điểm nhấn hút mắt cho căn phòng và giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đi dây điện.
Nếu trần nhà quá thấp, hãy lựa chọn đèn âm trần hoặc đèn ốp trần thay vì treo đèn thả, đèn chùm.